Còn với Android sẽ có một máy ảo trung gian, giúp cho ứng dụng được viết từ Java chạy được trên nhiều thiết bị, nhiều phần cứng nhất có thể, Android mở một phần cũng là vì vậy, hay nói đúng hơn Java nó có mặt ở khắp mọi phần cứng, mọi thiết bị từ smartphone, tablet, TV… Lớp máy ảo trung gian này sẽ đóng vai trò biên dịch những dòng code đó ra một ngôn ngữ có thể chạy native trên một phần cứng cụ thể nào đó. Từ đó, các ứng dụng Android cần nhiều bộ nhớ hơn để có thể hoạt động mượt mà. Theo bảng thống kê từ Android Authority, các ứng dụng Android sẽ sử dụng nhiều RAM hơn đáng kể so với cùng ứng dụng đó nhưng ở trên iOS.
Nhìn vào bảng này anh em có thể hiểu được, vì sao iPhone ít RAM hơn so với điện thoại Android cùng đời, nhưng iOS cảm giác lúc nào cũng tối ưu tốt hơn, ít giật lag hơn Android và vì sao iPhone chỉ cần 6GB RAM nhưng Android flagship cùng đợi lại có đến 8GB, 12GB hay thậm chí 16GB.
Cách hoạt động của các ứng dụng trên mỗi hệ điều hành
Để giải thích cho việc nhiều RAM hơn nó có lợi như thế nào với điện thoại Android thì khá đơn giản, với Android, càng nhiều RAM sẽ giúp cho máy chạy mượt mà hơn, đa nhiệm tốt hơn, mở được nhiều ứng dụng hơn và cơ chế chạy ngầm của Android chính là lí do vì sao chúng ta cần nhiều RAM trên điện thoại Android.
Đối với iOS, mỗi ứng dụng sẽ hoạt động dưới cơ chế Sandbox, tức mỗi khi chúng ta tải file từ trình duyệt hay chúng ta upload hình ảnh lên Google Photos chẳng hạn, chúng ta buộc phải mở ứng dụng đó lên để nó có thể upload hoặc download file đó. Còn với Android, cơ chế chạy ngầm của nó thoải mái hơn iOS rất nhiều, chúng ta có thể chạy ngầm và tải ngầm, upload ngầm hình ảnh hay file hay video gì đó tuỳ thích, miễn là điện thoại có đủ RAM để cho nó chạy ngầm và đó là lí do vì sao Android cần nhiều RAM hơn iOS để các hoạt động chạy ngầm đó được mượt mà hơn.
Nếu đi chi tiết hơn về cách các máy ảo Android hoạt động để biên dịch ứng dụng, trước đây Android sử dụng một công cụ biên dịch gọi là Dalvik, Dalvik hoạt động theo phương pháp Just in Time (JIT), tức ứng dụng hoạt động đến đâu sẽ tự động biên dịch đến đó. Sau khi người dùng đóng ứng dụng đó lại, phần biên dịch đó sẽ bị xoá đi và lần sau mở lên, nó sẽ biên dịch lại từ đầu. Kết quả là khiến đa phần những chiếc Android thời điểm đó hoạt động tương đối chậm chạp, vì hệ thống phải chờ đợi máy ảo biên dịch.